Đồng bào Dao thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) vẫn giữ ngôi nhà truyền thống nổi bật với hàng rào đá
Nếp nhà là cốt cách gia phong lưu truyền trong đời sống gia đình, dòng họ từ đời này qua đời khác, trở thành một giá trị bất biến. Với đồng bào Dao, nó được thể hiện trên hai phương diện: Gìn giữ những ngôi nhà truyền thống và gìn giữ nền nếp, gia phong của cộng đồng, dòng tộc.
Ở phương diện thứ nhất, thì việc gìn giữ nếp nhà truyền thống được người Dao duy trì, phát triển. Bởi kiến trúc nhà ở của người Dao rất phong phú. Tùy nhóm mà ở nhà trệt hay nửa sàn, nửa đất. Với người Dao đỏ ở khu vực Na Hang (Sơn Phú, Đà Vị...) thường ở nhà đất trệt, tường ghép gỗ, mái lợp lá cọ truyền thống. Theo ông Phùng Dùng Phụng, thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú thì những gia đình ở đây thường dựng nhà sát nhau, không đắp tường ngăn vách mà quây quần đoàn tụ. Nhờ thế mà tình đoàn kết xóm làng được thắt chặt. Với đồng bào Dao Tiền ở thôn Phiềng Ly, xã Trung Hà (Chiêm Hóa) lại lưu giữ được những căn nhà trình tường truyền thống.
Hiện nay bà con đều mong muốn xây dựng làng du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc của người Dao Tiền chính tại nơi đây. Nhiều nơi, do điều kiện sống thay đổi, bà con làm những căn nhà sàn cột bê tông cho thuận tiện ở thôn Văn Nham, xã Hùng Đức (Hàm Yên); xóm Dùm, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang). Nói về những căn nhà sàn cột bê tông này, ông Đặng Văn Tiến, dân tộc Dao ở xóm Dùm trải lòng: Trước nhịp sống hiện đại, nhà sàn có ít nhiều biến đổi, ngôi nhà có thể làm bằng khung gỗ hoặc cột bê tông. Song, dù làm theo cách nào thì những nét văn hóa trong ngôi nhà sàn vẫn được gìn giữ như một báu vật.
Việc truyền nghề thêu được gìn giữ trong từng nếp nhà của người Dao, thôn 1 Minh Tiến, xã Minh Hương (Hàm Yên)
Khẳng định của ông Tiến cho thấy, dù sống trong điều kiện nào thì đồng bào Dao vẫn luôn gìn giữ nền nếp gia phong trong cộng đồng cũng như dòng tộc. Điều này trước hết thể hiện ở trách nhiệm gìn giữ di sản của cha ông. Người Dao hiện có 3 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là Lễ cấp sắc, hát Páo Dung của cộng đồng người Dao nói chung và nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Trong đó, tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa dân tộc Dao.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Bàn Xuân Triều, Chủ nhiệm Câu lạc bộ khẳng định: hiện nay người Dao ở Tuyên Quang có khoảng 90.600 người, với 9 ngành Dao. Trong từng ngành Dao lại thành lập các CLB gìn giữ bản sắc rất tộc. Đây chính là đội ngũ nòng cốt trong việc gìn giữ, trao truyền di sản của cha ông. Đối với lễ cấp sắc cho người đàn ông Dao, hiện nay việc tổ chức được thực hiện trong cả dòng họ để tiết kiệm và đỡ tốn kém thời gian.
Tùy theo mong muốn của gia chủ mà thực hiện cấp sắc 3 đèn, 5 đèn, 7 đèn, 9 đèn và 12 đèn (tuy nhiên, cấp sắc 12 đèn của dân tộc Dao đến nay rất ít thực hiện, do đó, số lượng thầy cúng cao tay (người đã trải qua lễ cấp sắc 7 đèn, 12 đèn) không nhiều) song những điều răn cốt lõi vẫn được các thầy cúng trao truyền: Ăn ở phải khiêm tốn; Đi đường (nếu đội nón), gặp ai phải ngả nón chào; Không được ngả cây cối, phá rừng; Không được ăn trộm, ăn cắp; không có thì phải xin; Phải giúp đỡ mọi người khi hoạn nạn; Phải kính trên nhường dưới; Phải trông nom nhà cửa, vợ chồng thuận hòa, chăm lo dạy con cái; Phải kế tục sự nghiệp, không bỏ tập quán của dân tộc. Các nội dung này được thiêng hóa và trở thành giá trị đạo đức cốt lõi trong cộng đồng người Dao.
Tranh thủ lúc rảnh rỗi, chị em phụ nữ thôn Nà Lạ, xã Sơn Phú (Na Hang) lại cùng nhau luyện tập hát Páo Dung
Việc gìn giữ nghề thêu trang phục được gìn giữ từ việc mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt, lao động đến hoạt động truyền nghề trong từng mái nhà. Trẻ em người Dao sinh ra đã bắt đầu cảm nhận được màu sắc thông qua những bộ trang phục truyền thống các bà, các mẹ mặc. Các màu sắc ấy ăn sâu vào tiềm thức để rồi khi lớn lên, phụ nữ Dao cứ nhìn người già thêu mà học theo, màu sắc cũng hòa phối theo trí tưởng tượng nên vô cùng sinh động, bắt mắt.
Trong những ngày lễ, Tết, đồng bào Dao đều dành thời gian để đi chúc Tết anh em. Trong men rượu thơm nồng, họ cùng nhau hát Páo dung, ôn lại chuyện cũ, chuyện mới. Tình cảm con cái, vợ chồng thêm gắn bó; tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.
Cùng với việc gìn giữ di sản, người Dao còn có ý thức trong việc gìn giữ nền nếp, gia phong. Đó là cách ứng xử, là lời ăn tiếng nói, là truyền thống kính trọng người già, tôn sư trọng đạo, nếp hiếu học. Nói như anh Ma Phúc Hiến, Trưởng thôn Bản Biến, xã Phúc Sơn (Lâm Bình), nền nếp gia đình xưa là phải có trên, có dưới, có già, có trẻ, phải ứng xử theo phong cách trọng già, quý trẻ, chấp hành tục lệ như khi “bề trên” nói, thì “bề dưới phải lắng nghe”. Đồng bào Dao từ xưa đến nay vẫn sống với triết lý đơn giản nhưng thâm thúy và sâu sắc như thế. Chính điều này đã góp phần giữ gìn hạnh phúc cho biết bao thế hệ các gia đình người Dao.
Gửi phản hồi
In bài viết